Bạn làm việc cật lực cho cty trong một khoảng thời gian rất dài nhưng bạn lại cảm thấy rằng lương mình không có tiến triển.

Bạn mong muốn tăng lương và gia tăng thu nhập của mình.

Bạn bâng khuâng về việc nên ở lại cty hay nhảy việc.

 …

Lương - một vấn đề không phải của riêng của ai. Hầu hết anh em đi làm trong một khoản thời gian, đơn vị có thể là tháng hoặc là năm. Và tại một thời điểm nào đấy thì chắc chắn bạn đã , đang hoặc sẽ cảm thấy như vậy. Mình sẽ chia sẻ với các bạn một hướng tiếp cận và góc độ mới của mình trong bài viết này. "TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN VIÊN MÀ LÀ MỘT NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ: LÀM GÌ KHI DOANH THU THẤP?"

Nhà cung cấp dịch vụ

Thông thường, bạn sẽ nghĩ mình là một nhân viên đang làm việc cho một công ty. Nhưng một góc độ khác chúng ta có thể thấy rằng bạn không phải là một nhân viên làm việc cho công ty, mà thực sự bạn đang là một người cung cấp dịch vụ. Bạn là một "doanh nghiệp" và đang "bán dịch vụ" cho công ty theo từng tháng và sản phẩm của bạn là "sức lao động".

 

 

Và nếu một doanh nghiệp không kiếm được đủ doanh thu từ một khách hàng, bạn sẽ sẽ làm gì? 

1. Tìm kiếm khách hàng mới

Nếu doanh nghiệp không có đủ doanh thu từ một khách hàng, họ sẽ tìm kiếm thêm khách hàng. Ở đây tôi muốn nói rằng bạn có thể tìm kiếm công việc bán thời gian khác hoặc một công việc tay trái khác để có thêm thu nhập thụ động hoặc chủ động. Chả ai cấm bạn làm điều này cả. Tất nhiên, điều này thì không phải lúc nào cũng khả thi.

2. Tăng giá dịch vụ

Là doanh nghiệp nâng giá thành là chuyện bình thường. Họ còn chẳng phải xin phép ai. Họ chỉ cần tăng giá và xem phản ứng của khách hàng. Nếu giá quá cao, khách hàng sẽ là người hạ xuống. Hãy nhớ rằng bạn có quyền yêu cầu tăng mức lương của mình thông qua một đề nghị thương lượng: “Dựa trên dịch vụ mà tôi cung cấp, tôi muốn đề xuất tăng mức lương hàng tháng của mình lên". Cty là một doanh nghiệp, và họ thường làm được điều này. Vì vậy, nếu bạn là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại sao bạn không thử? Tuy nhiên, hãy xem xét giá trị tương ứng mà bạn đã tạo ra. Bạn muốn kiếm càng nhiều tiền từ khách hàng thì cố gắng tạo nhiều giá trị tương ứng, bạn không thể chia sẻ với khách rằng bạn đã làm việc rất siêng năng và chăm chỉ. Mình cũng đã có viết một bài về việc LÀM VIỆC SIÊNG NĂNG NHƯNG MÉO ĐƯỢC TĂNG LƯƠNG? bạn có thể đọc thêm tại đây LINK

3. Kết thúc hợp đồng

Các doanh nghiệp thường chấp dứt những hợp đồng không đem lại lợi ích cho họ và đây là chuyện bình thường. Chẳng phải chúng ta vừa mới chứng kiến điều này từ các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta(cty mẹ của Facebook),… hay sao. Khi họ gặp vấn đề về tài chính, họ đã sa thải số lượng lớn nhân viên. Một số doanh nghiệp có thể có sự hối tiếc và thương cảm. Nhưng rốt cuộc họ vẫn sa thải nhân viên thôi, bởi việc bảo vệ lợi ích doanh nghiệp là trên hết đối với họ. Điều này nghe thật là buồn nhưng đó là sự thật. 

Tương tự, bạn có thể rời công việc đó nếu bạn muốn. Kể cả khi sếp không cho phép bạn nghỉ việc hoặc khi đồng nghiệp nói rằng bạn đang bỏ rơi họ. Đôi khi, sẽ tốt hơn khi bạn dừng lại và đánh giá xem khách hàng (cty của bạn) có ý nghĩa đối với bạn không. Nếu khách hàng không đem lại lợi ích cho bạn, bạn có thể xem xét kết thúc hợp tác với cty và tìm kiếm khách hàng mới trả cao hơn và đánh giá phù hợp với giá trị dịch vụ mà bạn mang lại. 

Khi bạn phải đi, thì hãy đi thôi.

 

Tóm lại

Bạn là một doanh nghiệp và nếu không kiếm được đủ doanh thu từ một khách hàng là công ty, bạn có thể tìm kiếm thêm thu nhập từ những nguồn khác nhau mà chả ai cấm cảng. Xem xét giá trị tương ứng mà bạn đã tạo ra và nhớ rằng bạn có quyền yêu cầu mức lương phù hợp với năng lực của mình. Nếu công việc không mang lại lợi ích cho bạn, đừng sợ kết thúc hợp tác và tìm kiếm công việc mới.