By Taiyang
🪷 Con đường lý tưởng từ IT Comtor → QC → BrSE dành cho Non-tech
Trong hành trình chuyển mình từ IT Comtor sang BrSE, có lẽ một trong những con đường "xanh" nhất, dễ đi nhưng lại giúp bạn trưởng thành vững vàng chính là kinh qua vị trí QC/tester.
Đây không chỉ đơn thuần là vị trí "kiểm tra hoạt động của hệ thống, ngồi vọc hệ thống xem thử nó có vận hành theo đúng như expected của khách hàng hay không", mà nó còn đóng vai trò là chiếc cầu nối đưa bạn từ vùng đất “chỉ truyền đạt ngôn ngữ” sang lãnh địa “thấu hiểu hệ thống và nghiệp vụ”.
Tại sao vị trí QC/Tester lại lý tưởng cho IT Comtor?
🌱 1. Biết hệ thống không còn là nghe kể – mà là chính tay kiểm thử
Lúc còn làm IT Comtor, mình cảm thấy bản thân không khác gì một cái máy dịch – mà cái máy này lại còn hay “lỗi kỹ thuật”: dịch sai context, hiểu sai nghiệp vụ, truyền đạt lệch ý cả team lẫn khách hàng 🥲
Ban đầu, mình cứ nghĩ lý do là vì chưa biết nhiều từ vựng chuyên ngành (IT専門用語). Thế là mình research nát cả Google, cày cuốc gom gần 10.000 từ chuyên môn rồi từ ngày này qua tháng nọ ngồi học thuộc – ôn tập như một vòng lặp không điểm ngừng.
Nhưng rốt cuộc, dù có tích lũy một núi từ vựng thì mình vẫn dịch sai như thường.
Và rồi một ngày đẹp trời sau N+1 lần vò đầu bứt tóc, mình mới ngộ ra rằng
“Không phải cứ thuộc nhiều từ là hiểu.
Nếu bạn không nắm được cơ chế vận hành của hệ thống, thì bản dịch của bạn chỉ là phiên âm tiếng này sang tiếng khác, chứ không truyền tải được bản chất logic mà Dev cần hiểu.”
Cảm giác “vô hình” trong các buổi họp nội bộ – bạn đã từng chưa?
Mình đã từng, và rất nhiều lần là đằng khác.
Trong cuộc họp, PM, Dev, Tester liên tục bắn rap với nhau
-
Về logic xử lý
-
Về giải pháp thay thế
-
Về bug phát sinh hay behavior kỳ quặc
Và mình?
Ngồi đó với gương mặt “mất kết nối” như vừa lạc vào chiều không gian khác. Không hiểu team đang nói gì, thậm chí không biết nên hỏi câu gì. Có những lúc mình đã nghĩ: “Hay là mình không hợp ngành IT thật?”
Bởi vì:
-
Học code thì không nổi
-
Theo kỹ thuật thì quá mù tịt
-
Dịch mãi thì cũng thấy chán, thấy vô nghĩa
Nhưng thay vì bỏ cuộc, mình xin sếp cho thử sức ở vị trí QC/Tester.
Mình vẫn nhớ rõ cái cảm giác lần đầu được chạm tay vào hệ thống thật.
Được test, log bug, confirm behavior, viết test case – tất cả đều rất mới mẻ, nhưng lại cực kỳ thuyết phục mình rằng:
Đây chính là chiếc chìa khoá để mình “hiểu hệ thống” thay vì chỉ “nghe kể về hệ thống”.
Khi làm QC, mình dần “vỡ” ra:
-
Cách đăng ký, huỷ booking thực sự diễn ra thế nào
-
Vì sao trạng thái đơn hàng lại không đổi dù đã update
-
Logic “batch job” và mail reminder hoạt động ngầm ra sao
Cảm giác giống như trước giờ mình chỉ nhìn một bức tranh bị làm mờ, và giờ thì... từng chi tiết trong tranh dần rõ nét hơn từng chút một.
Và từ khoảnh khắc đó, mình mới hiểu:
Một BrSE non-tech không cần code giỏi. Nhưng không thể “mù logic”.
Và nếu bạn muốn thật sự hiểu nghiệp vụ – hiểu sản phẩm – hiểu khách hàng đang cần gì,
👉 QC là chiếc cầu nối đầu tiên giúp bạn hình thành khung sườn của hệ thống.
Một BrSE không thể chỉ giỏi tiếng Nhật – mà phải có khả năng tưởng tượng và phân tích hệ thống. Và QC/Tester chính là chiếc cầu đầu tiên để bạn làm được điều đó.
2. Làm quen với công cụ và quy trình thực chiến – Hiểu hệ thống bằng tay và mắt, không chỉ bằng tai
Khi bạn là tester, bạn không còn chỉ “nghe team dev kể” hay “nghe khách hàng tả” nữa, mà bạn tự tay kiểm chứng, tự mình xác nhận điều gì đang diễn ra trong hệ thống.
Bạn sẽ bắt đầu quen với quy trình phát triển phần mềm thật sự, hiểu rằng một sản phẩm IT không đơn thuần chỉ là mấy màn hình người dùng thấy trên UI.
Bạn sẽ được:
-
Học cách test backend bằng cách check dữ liệu DB: Ví dụ, bạn đặt một booking trên hệ thống — rồi tự mình mở bảng
booking_detail
để xem dòng dữ liệu mới vừa ghi vào có đúng không. -
Làm quen với Postman để test API: Khi không có UI, bạn vẫn có thể dùng API để gọi request, kiểm tra logic xử lý.
-
Sử dụng DevTool để kiểm tra validation, console log, hiểu được flow xử lý frontend–backend hoạt động ra sao.
-
Hiểu cơ bản về HTTP Request/Response, các status code như
200 OK
,401 Unauthorized
,500 Server Error
– để không bị hoang mang khi gặp lỗi bất ngờ. -
Biết viết và đọc các câu SQL cơ bản để truy vấn dữ liệu, test logic nghiệp vụ phức tạp.
Tất cả những thứ này không yêu cầu bạn biết lập trình, nhưng nó khiến bạn không còn là “người đứng ngoài quan sát” mà trở thành một phần của hệ thống.
Và đó chính là nền móng cực kỳ vững chắc để bước lên vị trí BrSE – người phải hiểu hệ thống từ trong ra ngoài, dù không cần viết một dòng code nào.
3. Cái nhìn toàn cảnh: Sản phẩm không chỉ là vài màn hình, mà là cả một câu chuyện business
Tester không chỉ test từng task như một cái máy.
Mà bạn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi:
-
Tại sao màn này lại có button này?
-
Luồng xử lý này có logic gì đặc biệt?
-
Trường hợp nào cần batch xử lý? Trường hợp nào cần thông báo tự động?
Bạn sẽ quan sát được:
-
Từng quy trình nghiệp vụ, từ người dùng tạo request → hệ thống xử lý → batch job xử lý ngầm → hệ thống phản hồi kết quả.
-
Toàn bộ bức tranh vận hành, từ entry data, validate input, update database, cho tới thống kê báo cáo.
Bạn sẽ hiểu rằng:
-
Một hệ thống tốt không chỉ chạy mượt mà, mà phải phục vụ mục tiêu kinh doanh: tăng doanh thu, giảm chi phí, cải thiện trải nghiệm.
Và chính sự nhạy cảm với logic nghiệp vụ ấy sẽ khiến bạn không chỉ là một tester “bấm click test UI” – mà dần trở thành người hiểu sản phẩm như hiểu lòng người dùng.
4. Giao tiếp, báo cáo, tranh luận – luyện ngón đòn đặc trưng của BrSE
Là tester, bạn sẽ không thể ngồi im lặng chờ bug tự biến mất.
Bạn phải:
-
Viết report bug rõ ràng, logic, có bằng chứng/evidence cụ thể.
-
Trình bày trạng thái lỗi, môi trường test, bước tái hiện một cách mạch lạc.
-
Tranh luận với dev, không phải để thắng – mà để hiểu đúng và làm đúng.
-
Phối hợp với PM, để ưu tiên fix lỗi theo mức độ nghiêm trọng và deadline.
Và những trải nghiệm ấy sẽ rèn bạn thành một người giao tiếp chuyên nghiệp, không nói lòng vòng, không né tránh, nhưng cũng không căng thẳng vô lý.
Chính là kỹ năng mà một BrSE không-tech cần bậc nhất:
Truyền đạt vấn đề kỹ thuật bằng ngôn ngữ con người.
Chuyển hoá yêu cầu nghiệp vụ thành logic dễ hiểu.
🌟 Lời nhắn gửi thân thương đến các bạn IT Comtors
Nếu bạn đang là IT Comtor và cảm thấy mình chỉ đang “dịch qua – dịch lại” mỗi ngày...
Nếu bạn từng như mình – ngồi trong họp và thấy mình như người vô hình, không hiểu team đang bàn gì…
Thì QC/tester có thể là cánh cửa mở ra một thế giới khác:
-
Một thế giới nơi bạn chạm tay vào hệ thống thật, test những thứ khách hàng thực sự dùng.
-
Một thế giới nơi bạn hiểu logic nghiệp vụ, biết hệ thống vận hành ra sao.
-
Một thế giới nơi bạn rèn luyện tư duy kỹ thuật và giao tiếp cùng lúc – như một BrSE thực thụ.
💬 BrSE không phải là một cái mác chỉ dành cho những người giỏi code. Mà là vị trí dành cho người biết nhìn hệ thống như một bài toán toàn diện: từ user → business → kỹ thuật → delivery.
Nếu bạn đang là IT Comtor và mông lung về con đường phát triển tiếp theo, đừng chỉ quanh quẩn với việc dịch tài liệu hay join meeting – hãy bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức với vị trí QC/tester.
Đây không chỉ là bước đệm để hiểu hệ thống, mà là bệ phóng để bạn học nghiệp vụ, hiểu logic và tiến dần đến vị trí BrSE hoặc Business Analyst.