Đa phần khi mọi người đi làm, ắt hẳn sẽ gặp không ít tình huống dở khóc dở cười (mình thì khóc nhiều hơn :P) bởi những lời ba hoa, chém tiểu thành đại của những “kẻ ba hoa”.
Thực ra “ba hoa” không hẳn là xấu đâu nhé. Với nhiều loại công việc cần thêm chất phụ gia mang tên “ba hoa” sẽ giúp mình và công ty mang lại nhiều lợi nhuận, từ đó mang về cho bản thân những thắng lợi riêng. Cái đó thì khỏi phải bàn.
Tuy nhiên, “ba hoa” quá mức về năng lực và trình độ của bản thân, liệu có thực sự tốt?
Mình sẽ chia sẻ cho các bạn một vài cases oái ăm trong ngành IT, mọi người cùng đọc nhé.
1. Chuyện của anh BRSE sống ở Nhật 6 năm với 4 năm BRSE chuyên về PHP
Công ty (cũ) của mình có tuyển được 1 anh BRSE “siêu xịn”. Nghe sếp bảo anh này xịn lắm cơ, sống ở Nhật 6 năm rồi, lại có kinh nghiệm làm Brse lâu năm, từng dẫn dắt nhiều dự án với scope “khủng”. Lúc anh mới vào dự án, mình rất hăm hở vì nghĩ sẽ học hỏi được rất nhiều từ người anh này.
Nhưng sự thực trần trụi giống như một cú tát thẳng vào mặt mình :-)). Từ viết report đến dịch report, nhắn tin và trao đổi với khách, truyền đạt ý của khách cho team anh đều giao cho mình làm hết. Team không có dev nào chuyên PHP nên nhờ anh mở 1 course training nhanh để mọi người nắm sơ lý thuyết (về cơ bản thì chuyên một ngôn ngữ thì các ngôn ngữ khác chỉ cần nắm được cú pháp và cách sử dụng là OK, chứ ko phải không chuyên là không biết gì về ngôn ngữ đó - trích lời anh bạn thân).
Mấy bạn DEV biết anh này có nhiều exp rồi nên cũng tự tin là join buổi training này xong là nhảy vào làm dự án được ngay. Nhưng đâu có ngờ, sáng ra anh bắt mọi người vào phòng họp, rồi anh viết từng dòng code lên bảng (chứ không phải laptop nhé), những thứ anh giảng dạy là được bưng bê từ W3School (bạn nào tự học code chắc biết web này rồi). Mất 3 tiếng đồng hồ chỉ để bưng bê những dòng lý thuyết trên mạng rồi viết lên bảng cho mọi người. Chịu nỗi không chứ.
Rồi đi họp khách, khách nói gì anh nghe cũng không hiểu, cứ ngó nghiêng sang thì thầm vô tai (khách đang nói gì vậy em, khách đang đề cập đến vấn đề gì vậy). Ôi thôi ca này tôi chịu thua.
Sau 1 tháng join công ty, sếp trên nhận thấy anh không những kém tiếng nhật, mà còn không biết code, lại không có kinh nghiệm quản lý nên công ty quyết định sa thải luôn.
(Cái này cũng phải trách người phỏng vấn, nghe ông chém gió sướng hết cả tai mà không chịu test kỹ lưỡng thì “bó tay” rồi)
2. Chuyện của anh DEV Leader “chém gió xuyên lục địa”
Hồi mới vào công ty, mình hay được anh dev leader này giúp đỡ (tự nhủ chắc do mình đáng yêu, ahihi). Tuy không làm cùng dự án, nhưng ở trên công ty anh này luôn đối xử thân thiện và rất galant với mình.
Vào những giờ nghỉ trưa anh em trong team hay đi cà phê chém gió, nên anh này cũng xin đi cùng. Anh nói chuyện rất rất hay, cảm giác đây là người hiểu biết rất rộng, rất sâu, chắc code giỏi lắm. Mình trộm nghĩ “nếu làm chung dự án với anh này chắc sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức chuyên môn đây”.
Rồi điều gì đến cũng đến, mình được assign vào làm cùng dự án mà anh đang phụ trách. Ban đầu mình cảm thấy hào hứng vì nghĩ có anh này, nên chắc sẽ được support nhiều. Nhưng ai nào ngờ vừa vào dự án, đi hỏi cái gì anh cũng không biết, hỏi spec hỏi wireframe ở đâu cũng không biết. Làm leader nên chịu trách nhiệm quản lý task, issue, risk và deadline của members. Nhưng mỗi lần mình confirm tiến độ, anh đều phản hồi rất rất chậm, hoặc nhiều câu hỏi mình đặt ra khi phát sinh một vấn đề gì đó, anh đều không trả lời được. Đôi lúc mình chỉ hỏi một câu đơn giản là “task này do có change spec nên tốn thêm effort cho BE, chứ FE coi như xong rồi đúng không”. Chỉ hỏi vậy đấy mà ông suy nghĩ mấy tiếng đồng hồ liền (à thì mình không chờ đợi ông đâu, mình trực tiếp confirm vs PIC rồi báo khách luôn).
Nhiều lúc mình bị overload, cũng bị burn-out vì style làm việc của anh này. Sau case này mới thấy, đừng vội đánh giá những gì người ta nghĩ, mà hãy đánh giá qua những việc người ta làm. Oái ăm thật sự.
3. “Lời ba hoa” của chị Sale dự án làm cả team (trong công ty) được một phen điêu đứng.
Chỉ vì muốn níu chân khách hàng, muốn kéo dự án về cho công ty và để tăng thêm “KPI” cho chính bản thân, chị Sale không ngần ngại chém gió về năng lực của DEV trong công ty, mặc dù resource hiện tại không có DEV nào chuyên về mảng mà khách yêu cầu, nên chị đã thành công chốt đơn.
Ở phía công ty, hiện tại không thiếu resource nhưng để làm được dự án đó thì cần phải tuyển thêm resource. Ủa rồi tuyển thêm vào làm dự án chạy 6 tháng, rồi sau đó thì sao?
Phía Resource tăng thêm, thời gian khách hàng mong muốn chạy dự án khá gấp rút, lại còn phải có tuyển người từng có kinh nghiệm làm trong mảng này rồi → rốt cuộc lại gây áp lực lên HR.
Có lẽ đây chỉ là một câu chuyện khá nhỏ trong vô vàn các câu chuyện liên quan đến việc Sale chém gió quá đà, khiến anh em ở phía Offshore nhiều lúc phải “tăng huyết áp” “chạy xúc quần” để theo kịp, nghĩ ló chán lắm.
4. BRSE chuyên ngữ đội lốt am hiểu “technical”
Lúc trước, khái niệm BRSE là để ám chỉ người vừa giỏi tiếng nhật, vừa biết code và nắm rõ hệ thống. Nhưng bây giờ, để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh như vũ vũ bão thì các công ty thi nhau tuyển BRSE giỏi tiếng nhật nhưng non-technical (không biết code nhưng có kiến thức về hệ thống, nắm rõ các luồng chạy của một hệ thống). Vậy nên các BRSE này, có người sẽ hiểu rất rõ hệ thống và code, nhưng có người sẽ giỏi ở mảng communicate với khách hàng nhưng không biết về code và hệ thống chạy như thế nào.
Vì như vậy nên khi đi họp khách hàng, nhiều BRSE nghe requirement từ khách, hoặc khi nghe khách chỉ thị change spec thì cũng vội gật đầu đồng ý mà không biết rằng việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống.
Hoặc khi khách yêu cầu thêm cái này, thêm cái kia, thoạt nghe thì thấy chỉ thêm vài item nhỏ nhỏ trên màn hình nên vội đồng ý rồi sau đó bắt team làm theo mà không có một sự cân nhắc kỹ lưỡng nào trong đó.
Những BRSE này có thể giỏi chém gió, giỏi nói chuyện với khách hàng, nhưng lại thiếu đi kỹ năng nhìn nhận thấu đáo vấn đề và luôn chạy theo khách hàng nên khiến anh em trong đội hình offshore cũng không ít lần muốn té ngữa hoặc chạy OT thâu đêm suốt sáng chỉ vì BRSE đã commit với phía khách hàng rồi.
Và vẫn còn rất rất nhiều cases oái ăm không đếm xuể vì những lời “ba hoa” đấy. Tục ngữ có câu “tự rước hoạ vô thân”, nhưng đây là ảnh hưởng đến cả một team, đến tập thể. Nhưng những câu chuyện như thế này nó vẫn diễn ra hàng ngày, nó vẫn nhang nhảng như mấy câu chuyện của các chị bán cá ngoài chợ, khổ thế ấy chứ.
Tiêu đề là “quá khứ của kẻ ba hoa” , nhưng hiện tại, và tương lai vẫn còn tiếp diễn chứ không phải chỉ nằm ở quá khứ. Vậy nên đây cũng là một vấn đề đáng quan ngại trong ngành IT này.