Chân ướt chân ráo bước vào ngành, tự biết bản thân mình từ số 0 vẫn còn nhiều thiếu sót, yếu kém nên mình luôn cố gắng học hỏi, góp nhặt từng trải nghiệm nho nhỏ để dành làm vốn.
Và kể từ ngày làm tuyển dụng, thông qua những lần phỏng vấn, mình học được vài điều bé ti tí như này:
 

1 - Nên viết CV ngắn gọn, súc tích, đầy đủ thông tin

 
Hầu hết các nhà tuyển dụng luôn muốn CV ngắn gọn, dễ đọc, nội dung trọng tâm không có những thông tin ngoài lề hay thông tin thừa không liên quan đến bản thân và công việc ứng tuyển. Bởi lẽ họ không có nhiều thời gian mà chỉ khoảng vài phút dành cho một CV.
Mình còn nhớ chiếc CV đầu đời dài 3 trang và kín mặt chữ của mình. Giờ nhìn lại tự thấy nó lan man và có những thứ không thật sự phù hợp với vị trí mình ứng tuyển. Phải chi hồi đấy mình biết chọn lọc thông tin thì CV đẹp mắt hơn rồi.
 

2 - Chỉ viết những thứ mình làm

 
Một điều dễ hiểu là ai cũng muốn CV mình thật ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng. Mình từng đọc qua 1 số CV viết rất “đã mắt”, thế nhưng đến lúc phỏng vấn thì lại ú ớ không trả lời được. Lý do là vì bạn liệt kê công việc của cả dự án chứ không phải phần việc của riêng bạn trong dự án đó. Vậy nên một lần nữa hãy chọn lọc .
 

3 - Nên tìm hiểu về công ty trước khi phỏng vấn

 
Nhận lời phỏng vấn rồi thì ít nhiều cũng nên tìm hiểu về công ty, về vị trí công việc. Như thế vừa chuyên nghiệp vừa cho thấy bạn tôn trọng nhà tuyển dụng.
Khi tham gia phỏng vấn, nếu mình hỏi "Bạn tìm hiểu gì về công ty hay vị trí này chưa?" mà nghe ứng viên trả lời “Chưa” thì mình thật muốn dừng luôn cuộc trò chuyện. Tính mình nóng như kem 😂
 

4 - Nên đến sớm hơn so với giờ hẹn 5 - 10 phút

 
Kể cả phỏng vấn offline hay online thì cũng nên làm điều này nhé. Vừa chuyên nghiệp vừa có thời gian xử lý những tình huống bất ngờ, sự cố không đáng có. Nếu có vấn đề buộc phải trễ hẹn hoặc cần dời lịch thì nên báo sớm, đừng đợi đến sát giờ mới báo hoặc bùng kèo trong im lặng. Điều đó chỉ cho thấy bạn thiếu tôn trọng thôi.
 

5 - Phỏng vấn trên tinh thần trao đổi giữa hai bên

 
Đối với công ty mình thì phỏng vấn là một cuộc trò chuyện thoải mái giữa hai bên, học hỏi lẫn nhau. Không ai là biết tuốt, người phỏng vấn và ứng viên đều cần được học hỏi mỗi ngày. Vì vậy, cái gì mình biết thì chia sẻ, chưa biết thì bảo chưa biết và học hỏi thêm.
 

6 - Nên chuẩn bị câu hỏi cho nhà tuyển dụng

 
Phỏng vấn không đơn thuần chỉ là đặt ra các câu hỏi và trả lời mà thực chất là một cuộc đối thoại. Vì thế cần có sự giao tiếp linh hoạt đến từ 2 phía. Việc ứng viên đặt câu hỏi ngược lại nhà tuyển dụng cũng cho thấy sự quan tâm của bạn với vị trí công việc này, giúp chứng minh sự chuẩn bị chu đáo cho buổi interview. Hơn hết, đây là cơ hội bạn được giải đáp các vướng mắc, giúp hiểu hơn về công ty để đưa ra quyết định có nên lựa chọn môi trường làm việc đó hay không.
 
Trên đây là một vài thứ nho nhỏ từ góc nhìn của mình. Hy vọng được mọi người góp ý, yêu thương để hoàn thiện hơn.
 
Chúc mọi người đầu tuần vui vẻ và nhiều năng lượng nhé!