Cứ thỉnh thoảng tôi lại ngồi điều chỉnh lại các kênh mạng xã hội mình thường dùng. Sinh ra trong thời của internet, làm việc hoàn toàn trên môi trường số, mạng xã hội đối với tôi là thứ có muốn né cũng không được, chứ không còn là việc có thể chọn lựa. Vì vậy, ngày nào vẫn còn phải sống cùng với nó, ngày đó tôi vẫn còn tiếp tục cẩn thận.
Sau đây là một số kinh nghiệm cá nhân tôi có về vấn đề dùng mạng xã hội, xin phép chia sẻ lại cho mọi người
 

1. Phần lớn những việc quan trọng có tác động lớn không xảy ra trên mạng xã hội

Sự xuất hiện dày đặc của các drama trên mạng xã hội khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đây là nơi diễn ra tất cả mọi thứ quan trọng trọng nhất (vì ai cũng bàn về nó cơ mà), hoặc ít nhất tin rằng đây là nơi tổng hợp lại các sự kiện quan trọng nhất.
Nhưng tất cả những gì trên mạng xã hội về Trấn Thành là việc anh ta khóc, trong khi Trấn Thành dành phần lớn thời gian để làm những việc khác ở thế giới thực. Tương tự, phần lớn những văn bản được ký, những tuyên bố được đưa ra, những chỉ đạo đang được áp vào thực tế... đều đang xảy ra mỗi ngày ở bên ngoài, chứ không phải trên mạng xã hội. Phần lớn những cuộc thi, những sự kiện, những cú bắt tay hợp tác, những hợp đồng giá trị, những dòng tiền được các tổ chức chuyển cho nhau... cũng đang xảy ra ở ngoài, với phần lớn trong số chúng không ai đem ra bàn trên mạng xã hội.
 
Trên thực tế, mạng xã hội là nơi của những thứ ít quan trọng hơn cả. Phần lớn mọi người xem việc sử dụng mạng xã hội là việc ít cần đầu tư công sức nhất, trong khi dành ra rất nhiều thời gian để làm những việc khác ở bên ngoài. Phần lớn các tác giả dồn tâm huyết của họ vào sách vở, chứ không cho status trên FB hay tweet trên chim xanh. Phần lớn nhà nghiên cứu làm việc trong phòng lab, cùng với đồng nghiệp và tổ chức của họ, thực hiện những nhiệm vụ đặc thù đã được giao phó. Phần lớn những nhà hoạch định chính sách đang nghiên cứu cách để giải quyết các nhiệm vụ đã nằm sẵn trong bản kế hoạch 5 năm 10 năm được quyết định từ cuộc họp nào đó mà chúng ta không được biết, chứ không phải để xử lý các drama trên mạng xã hội. Số ít những người thực sự nắm vai trò xây dựng không gian mạng và tâm huyết bỏ ra nhiều công sức, như content creator trên khắp thế giới, đã dày công biến nơi này thành một tòa soạn cỡ lớn, một phim trường, một thực tại thay thế... tạo ra ảo giác rằng rất-nhiều-thông-tin có nghĩa là đầy-đủ-thông-tin.
 
Như vậy, chúng ta lang thang trên đây với ảo giác rằng mọi người đều chân thật, đều tâm huyết, đều hạnh phúc, đều nghiêm túc với những gì họ đang làm và nói, hẳn là một điều tai hại. Họ có tồn tại, nhưng không nhiều. Để dễ hình dung, bạn sẽ thấy lúc bạn sống động nhất và nghiêm túc nhất, bạn đang dành phần năng lượng đó cho việc bên ngoài, chứ không phải cho những thứ nằm trên đây.
Do vậy, tôi hy vọng mọi người hiểu được rằng dành ra quá nhiều thời gian để dùng mạng xã hội và ảo tưởng rằng mình đang học được gì đó, trên thực tế bạn đang bỏ lỡ cơ hội để học được những thứ quan trọng khác ngoài thế giới thực. Mẹo vặt hữu ích trên TikTok hay bài viết giáo dục trên Facebook, theo tôi, là thứ kéo người ta ra xa khỏi sách vở chứ không phải thứ sẽ truyền cảm hứng cho họ. Chúng ta hài lòng với việc một tháng xem được vài mẹo vặt hay cùng vài bài viết đáng đọc trên mạng xã hội, mà quên mất rằng một ai đó khác đã đọc gần xong một cuốn sách chuyên môn khó nhằn cũng trong cùng một khoảng thời gian.
 
Do vậy, việc dùng mạng xã hội thì không có gì đáng báo động, nhưng nếu bạn thấy bản thân lấy phần lớn thông tin từ mạng xã hội trong phần lớn thời gian, hãy tìm cách cân đối lại.
 

2. Phần lớn những điều tốt đẹp nhất không được phơi bày trên mạng xã hội

Mặc dù đúng là người ta thường khoe khoang bản thân họ trên mạng xã hội hơn, tức đem những thứ họ tự hào nhất ra để tự quảng báo, nhưng chính việc đó cho thấy mọi người bộc lộ nhiều điểm yếu và cái xấu của mình hơn khi ở trên đây. Chẳng hạn, họ đã chọn khoe khoang, chứ không phải làm một việc khác, khi dùng mạng xã hội.
Ta cũng sẽ thấy nhiều kiểu lỗi lầm của con người bộc lộ trên đây hơn. Chúng ta nói nhiều những thứ mình ít cân nhắc hơn. Chúng ta bộc lộ những cảm xúc bất thường hơn. Chúng ta dễ dàng chửi bới hoặc bắt nạt hơn. Chúng ta dễ cư xử kiểu hứng tình và bất cần hơn. Chúng ta dễ khoe khoang và khinh thường người khác hơn. Chúng ta dễ mất bình tĩnh và bị kích động hơn. Chúng ta dễ dàng giả vờ và né tránh hơn. Chúng ta giả dối và lươn lẹo hơn. Chúng ta phòng thủ và bất an hơn. Vân vân và vân vân. Ta làm rất nhiều việc mà khi ở ngoài, bố bảo ta cũng không sẵn sàng làm. Có nhiều đứa chỉ giỏi to mồm trên mạng xã hội, và cũng có rất nhiều người vì trò chuyện qua tin nhắn mà vạ miệng liên tục.
 
Điều đó có nghĩa là con người sẽ đối mặt với nhiều sự ngu ngốc của nhau hơn khi ở trên mạng xã hội. Chúng ta đưa cho nhau những lời nói thiếu cân nhắc và đối xử với nhau bằng những lối hành xử không được rèn dũa. Ta nhìn thấy mọi người với ít tính người hơn và nhìn thấy mạng lưới tương tác với ít tính văn hóa hơn. Có nhiều người thực sự đã sinh tồn và đắm chìm trong đó quá lâu tới mức họ đã lập ra được hẳn những băng đảng điên rồ rong ruổi khắp nơi trong vùng đất tha hóa này chỉ để thỏa mãn khát khao bạo lực. Những con người với mặt lạnh như tiền ngồi trước màn hình máy tính, điều khiển các danh tính online ẩn danh thảo khấu đang hò hét đập phá tưng bừng như những phân cảnh trong Mad Max.
 
Sử dụng mạng xã hội không sai, nhưng đánh giá người khác thông qua những gì họ làm trên mạng xã hội, hay hình dung về thế giới thực dựa trên những gì đang xảy ra trên đây, thì nên nghiêm túc xem lại. Nếu bạn thực sự nghiêm túc thắc mắc về một ai đó dựa trên những gì họ đã làm trên này, thì tôi nghĩ bạn nên nghiêm túc xem lại thói quen sử dụng mạng xã hội và tư duy của mình.
 

3. Có quá ít động lực tích cực và quá nhiều lời than vãn tiêu cực

Đôi lúc tôi cảm thấy như mạng xã hội này như một cái hộp echo chamber khổng lồ của những lời than vãn về hiện thực và những tiếng kêu khi đến mùa động dục của homo sapiens. Những thứ tín hiệu rất thô kệch, inh ỏi, da diết và thống khổ. Nhân loại xưa nay vốn cũng đau khổ và hứng tình, nhưng thế giới thực yêu cầu họ phải phát ra những thứ tín hiệu đã được mài giũa.
 
Người ta đau trong câu hát, than vãn trong những áng thơ, bất mãn trong các bài hùng biện và nhảy nhót, ca hát hay ve vãn nhau để thể hiện tình tứ. Nhưng ngày nay trên mạng xã hội, rất nhiều người phát ra rất nhiều tín hiệu kêu gọi thỏa mãn, bất cẩn và liên tục. Tôi không nói rằng điều này là sai với họ, nhưng tôi nghĩ mình nên cẩn thận khi đi dạo qua những vùng đất như thế này. 
 
Bởi lẽ, nếu không cẩn thận, ta sẽ dừng lại, bị níu giữ bởi những tiếng than ai oán và bị mê hoặc bởi lời phỉnh dụ. Trong truyền thuyết, không có kết cục tốt đẹp nếu ta làm như vậy.
 
Đối mặt với thế giới đau khổ này cùng nhau, tôi khát khao tìm kiếm những người đồng hành biết giúp đỡ nhau hướng về phía trước. Nhưng đa số trên mạng xã hội là sự tiêu cực níu giữ chúng ta lại, khiến ta cảm thấy mình nên tức giận nhiều hơn ngay cả khi mình chưa bao giờ bình tĩnh và mình nên đau khổ nhiều hơn vì cả thế giới đang chống lại mình. Mọi người đem sự tiêu cực và những nỗi đau của mình lên mạng xã hội thay vì đi gặp bác sĩ tâm lý.
 
Thế nên, dùng mạng xã hội thì không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu như chúng ta dành thời gian cùng nhau tạo ra những thay đổi tích cực giúp ai cũng có điều kiện và có phương tiện để được trợ giúp. Cũng bấy nhiêu người, sống bấy nhiêu năm, cùng nhau khóc về thế giới này thì có gì tốt đẹp hơn cùng giúp đỡ lẫn nhau?
 
Nghịch lý của nỗi buồn nằm ở chỗ, chúng ta phải biết trân trọng nó, nhưng cũng phải biết cách để vượt qua được nó. Nhưng mạng xã hội có thể sẽ giúp bạn khó vượt qua được nỗi buồn của mình hơn, khi thấy xung quanh ai cũng buồn về cùng một chuyện.
Và thật đáng để chú ý, chúng ta vui vẻ trong các buổi tiệc, vui đùa trong lễ hội hay hào hứng khi ngồi nói chuyện với nhau bên ngoài, chứ mấy khi cười được lâu khi lướt mạng xã hội?
 
Thế nên, tôi rút ra một vài nguyên tắc sử dụng cá nhân như sau:
- Bỏ theo dõi là mặc định, chỉ theo dõi những gì mình thấy có ích, thay vì tự động theo dõi chỉ vì "kết bạn" hoặc nhấn nút thích trang ủng hộ bạn bè của mình.
- Chặn người lạ làm phiền là việc nên làm.
- Tránh xa những người, nhóm người thể hiện sự tiêu cực một cách bền vững. Lối sống này bất thường ở cả ngoài đời chứ chẳng riêng gì trên mạng.
- Không nhìn người khác thông qua những gì họ làm trên mạng xã hội và không nhìn cuộc đời dựa trên những gì nhìn thấy trên mạng xã hội.
- Đảm bảo rằng mạng xã hội là nơi cung cấp thông tin phụ chứ không phải chính.
- Không sa đà vào những hoạt động trên mạng xã hội. Chỉ nên xem đây là nơi để trêu đùa, giải trí, thử nghiệm và nghịch phá.
- Dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động bên ngoài và dùng mạng xã hội như một kênh để kết nối tạo thêm nhiều cơ hội cho thế giới thực.
That's it.
 
Nguồn: hexpionn